Sự thất bại của Uber tại Đông Nam Á

Ở thị trường Việt Nam

Cả Uber và Grab đều tiến vào thị trường taxi Việt Nam vào năm 2014, nhưng tính đến hiện tại là những tháng đầu tiên của năm 2017, Grab đã vượt hẳn so với đàn anh Uber về mọi mặt.

Sở dĩ phải gọi Uber là “đàn anh” bởi Uber ra đời từ năm 2009 tại Mỹ trong khi Grab ra đời năm 2012 tại Malaysia, và được coi là “clone” của Uber.

Còn tại Việt Nam, Grab là người đến trước. Tháng 2/2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. 4 tháng sau đó, Uber xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh, nhanh chóng tạo thêm một đối trọng với GrabTaxi khi cung cấp một dịch vụ tương tự với chất lượng được quảng bá là cao hơn bởi sử dụng các xe hạng sang.


Cùng mục tiêu, kẻ thành công, người chật vật

Tiến vào thị trường Việt Nam với cùng mục tiêu, nhưng sau 3 năm hoạt động, cuộc chơi giữa Grab và Uber đã bắt đầu xuất hiện những sự phân hóa rõ rệt. Trong đó người đang dần bị bỏ lại - ông lớn Uber.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở thành quả hai công ty đang đạt được ở Việt Nam. Dù quảng bá rầm rộ và đầu tư nhiều hơn cho các nội dung khuyến mãi, nhưng Uber vẫn đang rất “chật vật” khi nói tới hiệu quả thu về.

Grab 1 – 0 Uber: 

Với một mô hình mới như Uber hay Grab, việc “lobby” chính sách vẫn là một trong vấn đề ưu tiên phải làm hàng đầu. Điều này không chỉ đúng tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới. Ai dành được lợi thế trên chính trường, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội chiến thắng hơn.

Nếu xét trên góc độ hợp thức hoá, Grab đi trước Uber một bước. Grab đã được phê duyệt đề án GrabCar tại 5 tỉnh thành (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh) trong vòng 2 năm. Trong khi đó, một đề án tương tự của Uber lại bị trả về.

Một quan chức Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khác biệt khiến Grab được chấp thuận là do Grab sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, và có pháp nhân tại Việt Nam. Grab đã nghiên cứu rất kỹ thị trường Việt Nam và hoàn thiện tính pháp lý của mình nhanh hơn hẳn đối thủ.

Đây là điểm yếu chết người của startup Mỹ vì cứ mỗi lần có thông tin về DN công nghệ đa quốc gia trốn thuế, Uber cùng với Google, Facebook Việt Nam luôn là một trong những cái tên hàng đầu được nêu ra. Các hãng Taxi truyền thống cũng tập trung vào điểm yếu này để chỉ trích Uber.

Chưa hết, trong khi Uber đang nỗ lực thành lập công ty thì Grab đã tiến thêm một bước nữa trên thị trường, khi nhận được sự chấp thuận thí điểm áp dụng công nghệ thông tin để cải thiện tình trạng giao thông tại Việt Nam.

Grab 2 – 0 Uber: 

Sự thất bại trong việc kêu gọi hậu thuận từ phía chính phủ khiến Uber Việt Nam không thể vươn xa ra nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, Grab từ chỉ gói gọn trong dịch vụ GrabTaxi, đóng vai trò như một công cụ giúp các lái xe taxi tìm được nhiều hành khách hơn thì này Grab đã phát triển 4 mô hình vận tải, gồm GrabTaxi (bao gồm cả taxi và xe không nhãn giống Uber), GrabCar, GrabBike và GrabExpress (chở hàng).

“Cay đắng” hơn khi những mô hình trên chính là điều mà Tổng giám đốc Uber Việt Nam từng tuyên bố sẽ mở ra khi mới vào thị trường. Trong khi Uber còn mải quảng cáo trực thăng và xe chở kem, Grab đã nhanh chóng “làm thay” những điều Uber muốn làm.

Grab 3 – 0 Uber: 

Nếu đứng ở góc độ người tiêu dùng, Uber chắc chắn là rất “đáng yêu” khi giúp người dùng chỉ với một mức phí rất rẻ so với thị trường, đặc biệt là với UberX. Vì vậy, đây là nhóm đối tượng “win” nhiều nhất trong cuộc chơi.

Tuy nhiên, chính mức phí quá rẻ đấy là thứ có thể giết chết Uber. Bỏ qua việc giảm giá khiến doanh nghiệp lỗ nặng, vì đây là điều đương nhiên với các Startup muốn mở rộng thị trường, một vấn đề nghiêm trọng khác sẽ nảy sinh với mức giá này.

Đó là vấn đề với các tài xế. Uber quảng bá mô hình của mình được thiết kế để có lợi cho tất cả các bên tham gia: Người tiêu dùng – hãng vận tải – tài xế. Tuy nhiên, cánh tài xế không nghĩ vậy.

Việc Uber giảm giá tối đa để cạnh tranh mở rộng thị trường, nhưng vẫn giữ nguyên mức ăn chia 20 – 80 (Uber giữ lại 20% trên tổng số tiền thu về) khiến cánh tài xế cho rằng mình đang gần như “lái xe không công”. Trước đây, điều này có thể được bù đắp từ những khoản thưởng và hỗ trợ riêng của Uber. Tuy nhiên, vấn đề bộc lộ rõ sau khi Uber dần loại bỏ các hoạt động khuyến mãi.

Kết quả là hàng loạt những scandal liên quan đến tài xế phát sinh với Uber thời gian qua. Đáng chú ý là những scandal tập trung khá nhiều ở Hà Nội, nơi mô hình giá rẻ UberX được sử dụng nhiều. Còn tại Tp.HCM, nơi mức cước Uber cao ngang taxi, điều này không xảy ra.

Hình ảnh hiện đại, sang trọng mà hãng cố công gây dựng khi mới vào Việt Nam đổ bể. Và điều ai cũng biết, Uber không thể giữ mức cước này mãi mà phải tăng lên ngang bằng với thị trường. Chưa biết quy mô lúc đó đã mở rộng chưa nhưng lợi thế “win” cuối cùng dành cho hành khách cũng sẽ mất.

Grab thì sao? 

Không cung cấp xe đẹp, mức cước gần như ngang ngửa với taxi truyền thống, nhưng chiết khấu cho ứng dụng thấp hơn nhiều so với Uber. Grab lại là bên triển khai mô hình Win-Win-Win khá tốt, mỗi bên đều có lợi một chút, thay vì tập trung toàn bộ lợi thế về phía khách hàng.

Trong khi Grab đang thành công với những điều mình làm, thì một nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của Uber đó chính là sự rập khuôn máy móc các quy tắc của họ: Không thành lập công ty ở nước sở tại, tỉ lệ ăn chia luôn cố định 20 – 80, mang nguyên xi các chiến dịch quảng cáo đắt tiền về Việt Nam. Sự rập khuôn cứng nhắc đó, khiến một Startup Mỹ trị giá hàng chục tỉ đô la, cứ mãi loay hoay tại Việt Nam.

Trong khi đó, xuất thân Đông Nam Á lại giúp Grab có những chiến lược mềm dẻo và khôn khéo hơn, đang dần chiếm ưu thế trước ông lớn Uber. Hàng loạt các chương trình khuyến mãi được đưa ra, như nhập mã số giảm giá cho mỗi chuyến đi, hay tặng khách hàng tiền ngay khi đăng ký dịch vụ. Grab khiến việc di chuyển chưa bao giờ đơn giản và tiết kiệm đến thế.

Ngày 8.4.2018, ứng dụng Uber tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam chính thức dừng hoạt động. Đang ở vị trí vượt trội về công nghệ lẫn thị phần taxi ở Việt Nam, Uber dần suy giảm sức mạnh, chính thức bị Grab thâu tóm. Chỉ trong vài năm, không chỉ lớn mạnh mà Grab đã thành công trong việc thay thế Uber cũng như một số startup tương tự của Âu - Mỹ tại thị trường Đông Nam Á.

Sự phát triển của kinh tế số toàn cầu đã kéo theo đà tăng trưởng thương mại điện tử mạnh mẽ tại Đông Nam Á, trong đó Grab là cái tên nổi bật gần đây. Tính đến năm 2019, “kỳ lân” này (kỳ lân - Unicorn là cách gọi các startup được định giá 1 tỷ USD trở lên ) đã huy động được hơn 6,5 tỷ USD vốn đầu tư. Có quê hương tại Indonesia, nhưng Grab đã chọn Singapore làm trụ sở để phát triển.

Cũng như gã khổng lồ Uber, “kỳ lân” Grab tiếp tục mở rộng dấu chân kinh doanh của mình sang dịch vụ giao hàng, ăn uống, thanh toán kỹ thuật số và thậm chí cả dịch vụ mua hàng cá nhân, phạm vi hoạt động cũng mở rộng sang Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Philippines. Chỉ trong vài năm, không chỉ lớn mạnh mà “kỳ lân” này đã thành công trong việc thay thế Uber cũng như một số startup tương tự của Âu - Mỹ tại thị trường Đông Nam Á.

Vì sao mà một công ty nhỏ vốn ban đầu chưa đến 3 tỷ USD có thể thách thức một kỳ lân phương Tây khác trị giá 60 tỷ USD được trang bị sức mạnh sáng tạo của thung lũng Silicon là Uber tại thị trường được coi là tiềm năng nhất châu Á này?

Nhiều phân tích chỉ ra Uber áp dụng triệt để tư duy, quan điểm của ngành dịch vụ phương Tây là “phục tùng” của cấp phục vụ và tối đa hóa lợi ích. 

Mặc dù các nền tảng kinh tế chia sẻ thường vận hành bởi nền kinh tế số, nhưng Uber thường không quan tâm đến quan điểm quản lý của chính quyền địa phương cũng như động thái san sẻ lợi ích như một thói quen của bất kỳ doanh nghiệp nào tại châu Á. 

Thay vì hợp tác với các bên để tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh (chính quyền, người sử dụng, tài xế, đại lý ô tô...) nhằm giảm thiểu cạnh tranh, gia tăng các giá trị mới thì dường như chính sách của Uber lại đi ngược lại, để rồi thất bại trong một thời gian ngắn. Chính Uber sau này cũng thừa nhận việc cạnh tranh với các đối thủ tại địa phương là rất khó khăn.

Trong khi đó, “kỳ lân” Grab lại có quan điểm và chính sách quản lý mềm mỏng, đặc biệt là phương thức hợp tác từng bước, đưa đối tượng tạo ra lợi nhuận chính (tài xế) có “quyền” lựa chọn hợp tác với các công ty taxi sử dụng dịch vụ hỗ trợ đặt xe trực tuyến rồi sau đó bổ sung thêm chức năng chia sẻ xe riêng (xe cá nhân rảnh rỗi). 

Ngoài ra, Grab cũng rất tích cực đẩy mạnh việc hợp thức hóa việc hoạt động kinh doanh, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đóng thuế và có pháp nhân đầy đủ. Trong bối cảnh này, sự thấu hiểu văn hóa phương Đông là lợi thế không nhỏ đã góp nên thành công của Grab. 

Hoặc từ một góc nhìn khác, mô hình thâm nhập thị trường của Grab là ưu tiên lựa chọn hợp tác với các hãng taxi địa phương, kết hợp tài xế hiện tại vào hệ thống nền tảng đặt xe taxi và cùng tồn tại cùng có lợi. 

Ngược lại, khi vào mọi quốc gia, Uber đã tự thành lập một hệ thống độc lập để thay thế các hãng taxi truyền thống bằng các tài xế ô tô tư nhân. Việc này đã gây nên các làn sóng phản đối Uber tại nhiều quốc gia.

Grab tôn trọng phong tục và tập quán địa phương ở tất cả các quốc gia, nhấn mạnh việc nội địa hóa và thiết kế cơ chế thanh toán phù hợp với phương thức người dùng địa phương đã quen thuộc.

Ngược lại, Uber dùng một ứng dụng cho tất cả các quốc gia triển khai, do đó đã có những khác biệt từ văn hóa sử dụng lẫn thanh toán cho hình thức sử dụng xe mới mẻ này.

Sự điển hình của sự linh hoạt trong chính sách của Grab là khi bước ra khỏi Singapore để tiến đến các thị trường mới như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia... Grab đã cung cấp dịch vụ cho cả xe máy, xe tuk-tuk thậm chí cả xe đạp để phù hợp với bối cảnh và văn hóa sở tại. 

Đội ngũ nghiên cứu của Grab cũng đã tính toán rất kỹ khi cho phép người sử dụng được thanh toán trực tiếp tiền mặt bởi 70% người dân tại các quốc gia đang phát triển này không sử dụng thẻ ngân hàng trong thanh toán hàng ngày. Chỉ riêng việc áp dụng phương thức thanh toán này đã giúp cho số lượng tài xế và khách hàng của Grab tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn. 

Giai đoạn sau Uber cũng có thay đổi, đưa vào triển khai Uber X, U-bike (phục vụ tầng lớp khách hàng bình dân) cũng như cho phép thanh toán tiền mặt, tuy nhiên cũng không giúp ích nhiều bởi phần lớn thị phần lúc này đã nằm trong tay Grab.

Trong bối cảnh nền kinh tế số toàn cầu phát triển nhanh chóng, mục đích của nền kinh tế chia sẻ là tận dụng tốt công nghệ thông tin để khắc phục tình trạng mất cân đối nhu cầu, điểu chỉnh công suất dư thừa của các phương tiện vận tải. Bất kỳ doanh nghiệp nào tôn chỉ mục đích và vận dụng tốt, biến “kinh tế chia sẻ” thành “kinh tế chung” đều có nhiều cơ hội để thành công. 

Sự thất bại tại thị trường Đông Nam Á để lại bài học cho những bước đi tương lai của Uber và cũng là tấm gương lớn đối với các ông lớn khác đang chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á đầy tiềm năng nhưng cũng không ít mạo hiểm.


Comments