Tình huống – Trung tâm Anh ngữ Teppi – Phần 2 (*)
Nhung thật sự lo lắng. Những
gì Nhung có là con số 0 tròn trĩnh. Cô giỏi tiếng Anh, có kinh nghiệm giảng dạy
sinh viên, nhưng Nhung chưa từng dạy cho trẻ từ 3 tuổi trở lên. Cô không biết
phụ huynh của trẻ mong muốn điều gì. Có lẽ
họ muốn con họ nói tốt, nghe tốt, cảm thấy vui khi đến lớp học. Nhưng liệu họ
có đến trung tâm của Nhung để cho con họ học không?
Nhung
cũng không nhận được sự ủng hộ của chồng. Vốn của 2 vợ chồng tích luỹ sau 3 năm
lấy nhau chỉ có 200 triệu. Nhung không thể sử dụng nguồn tiền đó vào dự án kinh
doanh quá rủi ro. Nhưng Nhung không có đường lùi. Nếu không làm thêm một cái gì
đó, Nhung sẽ không thể có thêm thu nhập trong tương lai sắp tới.
Nhung cảm thấy những thông tin
mình có được từ quá trình quan sát vẫn còn nhiều mập mờ, chưa chuẩn xác. Nhung
quyết định tìm hiểu thêm thông tin. Mỗi buổi chiều thứ 7, chủ nhật, Nhung đẩy
con đi xuống công viên của khu dân cư, Nhung bắt chuyện với những ông bố, bà mẹ
có con tầm 2 đến 10 tuổi đang vui chơi ở đó. Nhung hỏi họ về việc học tập của
bé ví dụ như: bé đang học ở đâu? Trường mẫu giáo nào tốt nhất khu này? Anh/ chị
có cho bé học thêm Anh văn không? Nếu lên lớp 1 thì Anh/chị cho bé học ở
đâu?...
Nhung tích luỹ những câu chuyện
và khám phá ra nhiều điều. Thứ nhất, các gia đình Nhung gặp có từ 1 đến 2 con.
Họ là những gia đình trẻ mới lập gia đình được khoảng 5 năm. Thứ hai, đa số mọi
gia đình đều làm các nghề điển hình như: kỹ sư, bán hàng, nhân sự, marketing,
giáo viên… Họ mong muốn con họ được học trường tốt và đa số nhận thức của các
gia đình trẻ hiện nay là mong muốn con họ được học trong một môi trường giảng dạy
Anh ngữ có người bản xứ. Lý do là họ đã trải qua thời kỳ học tiếng Anh với Thầy
Cô người Việt và họ đã nhận ra rằng, những gì được học không giúp họ nói được
tiếng Anh tốt, thậm chí còn sai. Thứ ba, họ mong muốn con họ phát âm tốt, nghe
tốt, một số cha mẹ đặt mục tiêu lên đến lớp 10, con họ phải đủ khả năng tiếng
Anh để có thể đi du học.
Nhung rút ra một điều, yếu tố
quyết định và then chốt để cha mẹ ở đây gửi con vào một trung tâm tiếng Anh đó
là giáo viên bản ngữ. Suy nghĩ về việc học với giáo viên bản ngữ ngay từ nhỏ
giúp trẻ nghe và nói tốt đã ăn sâu vào tiềm thức của cha mẹ. Một trung tâm Anh
ngữ mở ra với các giáo viên người Việt sẽ không đáp ứng được nhu cầu của họ.
Nhung quyết định thử nghiệm ý
tưởng. Căn hộ Nhung đang ở có diện tích 64m2 với 2 phòng ngủ, 1 bếp và 1 phòng
khách. Nếu chuyển hết phòng khách vào phòng ngủ còn thừa thì phòng khách có thể
chuyển thành phòng học với 25 trẻ mỗi lớp. Hồi còn làm trợ giảng, Nhung chơi
thân với một số giáo viên trẻ của các Trung tâm. Nhung chat với Amanda và trao
đổi ý tưởng kinh doanh với cô. Amanda ủng hộ và hứa sẽ đứng lớp vào 2 buổi chiều
thứ 7 và chủ nhật từ 17 giờ đến 21 giờ hàng tuần.
Nhung trang trí lại phòng
khách với những hình ảnh hấp dẫn trẻ con như chuột Mickey, Tom & Jerry.
Nhung định ghé các cửa hàng nội thất đường Ngô Gia Tự và mua 5 chiếc bàn nhỏ
kèm theo ghế dành cho trẻ con. Amanda đề nghị rằng trẻ 3 tuổi trở lên chưa cần
bàn ghế nhiều. Giai đoạn này trẻ cần nghe là chính, nên đầu tư một chiếc ti vi
lớn có kết nối mạng để trẻ nghe và tương tác với các chương trình tiếng Anh. Nhung
đồng ý và đổi sang một một chiếc ti vi Samsung 49 in đang giảm giá ở Nguyễn
Kim.
Nhung dự kiến chỉ mở 4 lớp
theo các khung giờ từ 17 giờ đến 18 giờ 30. Từ 18 giờ 30 đến 20 giờ mỗi chiều
thứ 7 và chủ nhật. Số học viên Nhung kỳ vọng cho 4 lớp là 80 bé. Nhung ước tính
tiền lương tối thiểu phải trả cho Amanda mỗi tháng là 34 triệu chưa kể tiền hỗ
trợ đi xa do Amanda đang ở trọ ở quận 1, khu dân cư của Nhung lại ở quận Bình
Tân. Lương giáo viên bản ngữ tính theo giờ lên lớp theo giá thị trường khoảng 1
triệu 400 nghìn/ giờ/ lớp dưới 25 học sinh. Nhung đặt mục tiêu mỗi tháng sẽ có
doanh thu 80 triệu đồng. 80 bé ở khu dân cư hơn 3000 hộ gia đình là một mục
tiêu khả thi.
Để có được 80 bé, Nhung lên kế
hoạch in tờ rơi quảng cáo về trung tâm. Nhung lấy tên trung tâm Anh ngữ Teppi
vì Cô rất thích đọc siêu quậy Teppi từ hồi trẻ. Nhung in khoảng 1000 tờ rơi quảng
cáo Trung tâm của mình. Nhung nhờ các cô lao công khi dọn dẹp mỗi tầng nhà thì
nhét một tờ rơi vào khe cửa. Ở khu cô ở, mỗi lao công phụ trách 3 tầng, Nhung
trả 100 nghìn cho một tầng chung cư được phát. Nhung cũng tiếp cận bảo vệ các
chung cư và trên mỗi bàn làm việc của bảo vệ của mỗi block, Nhung đặt một tờ bướm
quảng cáo nhỏ, nhấn mạnh thông điệp lớp học Anh văn cho trẻ 100% giáo viên bản
ngữ, khai giảng hàng tuần. Hình ảnh của Amanda được in trên các tờ rơi và
leaflet. Nhung cũng tiếp cận các quán ăn, xe bánh mì, các bãi xe của chung cư,
tận dụng các khu vực được dán thông báo của khu dân cư để dán quảng cáo cho
Trung tâm Anh ngữ của mình. Nhung cũng tham gia vào cộng đồng chung cư trên
facebook, lập một fanpage của Trung tâm, kết nối với cộng đồng ở đây để quảng
cáo cho trung tâm của mình.
Nhung
gọi điện cho Thầy Chánh, một giảng viên từng dạy Nhung ở đại học để xin ý kiến
của Thầy. Thầy Chánh đang có một vài trung tâm Anh ngữ khá thành công ở TpHCM.
Thầy Chánh cho rằng Nhung đang đặt mục tiêu quá cao và cần phải tính toán lại. (*)Tình huống mô phỏng dựa trên một câu chuyện có thật, các nhân vật đã được đổi tên. Tên gọi các tổ chức trong tình huống được tác giả đưa vào chỉ nhằm mục đích giáo dục. Tình huống được biên soạn bởi GVHD – Cao Quốc Việt, bản quyền thuộc về tác giả.
Comments
Post a Comment